Trách nhiệm khi tiếp nhận hàng không đúng thời hạn

Em làm nghề shipper. Hôm trước e có tới địa chỉ của bạn kia nhận hàng. Tổng tiền hàng tầm 6 triệu mấy gần 7 triệu, lúc em gọi bên người nhận thì có xác nhận là có đặt hàng nên em không nghi ngờ ứng tiền trước rồi chạy đến giao. Nhưng khi đến thì gọi mãi không được. Em báo bên người gửi thì cứ bảo vài ngày giao lại cho khách. Hôm nay là ngày thứ 3 em gọi khách vẫn không được, em trả hàng lại cho người gửi và kiu họ trả lại tiền ứng cho em thì họ viện cớ không có bận này nọ, không muốn trả tiền lại cho em. như thế thì em có thể khởi tố được không ạ. Em biết mặt biết rỏ sđt với tên và chỗ ở hiện tại của người gửi luôn ạ. Mong được luật sư sớm tư vấn ạ

Gia Oai

Căn cứ pháp lý

giao nhan 18754837 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm dân sự.

Dựa theo thông tin được cung cấp và căn cứ theo pháp luật dân sự hiện hành, trong sự việc này xuất hiện sự kiện pháp lý là đại diện theo uỷ quyền giữa bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giao hàng và người giao hàng (shipper) căn cứ theo quy định tại điều 138 BLDS 2015 quy định:

Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công việc đã được uỷ quyền, phát sinh 1 sự kiện ngoài mong muốn dẫn đến tranh chấp dân sự giữa các bên, đó là:
– Giữa người giao hàng (shipper) với bên có trách nhiệm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
– Giữa người giao hàng (shipper) với bên có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giao hàng.

Đối với tranh chấp thứ nhất, căn cứ theo điều 355 BLDS 2015 quy định:

Điều 355. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
1. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết khác để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý. Trường hợp tài sản được gửi giữ thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền.
Theo đó, người giao hàng (shipper) thực hiện công việc đã được uỷ quyền tuy nhiên bên có nghĩa vụ chậm tiếp nhận thì người giao hàng được quyền gửi trả lại tài sản cho bên gửi tài sản và được quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý.

Đối với tranh chấp thứ 2, căn cứ theo điều 567 BLDS 2015 quy định:

Điều 567. Nghĩa vụ của bên ủy quyền
1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.
2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.
Theo đó, người giao hàng được quyền nhận lại các chi phí đã bỏ ra để thực hiện công việc được uỷ quyền.

Ngoài ra, liên quan đến thủ tục khởi kiện để đảm bảo quyền và lợi ích trong trường hợp này, căn cứ theo điều 26 BLTTDS quy định:

Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

Theo đó, trong trường hợp các bên trong giao dịch dân sự không thoả thuận, thống nhất được về việc giải quyết tranh chấp thì bên có quyền và lợi ích bị thiệt hại có quyền tiến hành thủ tục khởi kiện vụ án dân sự tại Toà án theo lãnh thổ căn cứ theo điều 39 BLTTDS 2015 quy định:

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về trách nhiệm dân sự của các bên trong giao dịch dân sự. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Thu Thuỷ

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề