Biện pháp xử lý và thẩm quyền xử lý hành vi đánh bạc

Tóm tắt câu hỏi

Đánh bạc bao nhiêu thì bị xử lý, nếu bị xử lý thì xử lý như thế nào?Ai là người có quyền bắt và xử lý? Công an xã có quyền bắt người đánh bạc không.
Người gửi: Gia Bằng ( Đồng Nai)
Bài viết liên quan:
Kết quả hình ảnh cho đánh bạc

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật hình sự 2015, Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
– Pháp lệnh số: 06/2008/PL-UBTVQH12  ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về công an xã
-Nghị định 03/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 về kinh doanh casino

2. Đánh bạc bao nhiêu thì bị xử lý và xử lý như thế nào?

Pháp luật hiện hành cụ thể là Nghị định 03/2017/NĐ-CP mới chỉ quy định về việc thí điểm cho phép người Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện luật định được chơi tại các đại điểm kinh doanh casino được Nhà nước cấp phép. Theo đó, người Việt Nam đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 03/2017/NĐ-CP  và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì mới được phép chơi casino, tuy nhiên, do mới là thí điểm nên người chơi cũng chỉ được chơi tại các địa điểm cơ quan có thẩm quyền cho phép, cụ thể hiện nay là casino Vân Đồng(Quảng Ninh) và casino Phú Quốc (Kiên Giang) và thời gian thí điểm chỉ là 03 năm, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh casino đầu tiên được phép thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại Điểm kinh doanh casino. Do đó việc chơi casino một cách hợp pháp tại Việt Nam hiện nay còn khá mới mẻ và hạn chế. Vì vậy nên có thể nhận định rằng việc chơi casino nói chung và đánh bạc nói riêng ở Việt Nam hiệu nay đều là trái phép.Do đó, tùy mức độ chơi mà hành vi đánh bạc trái phép có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
– Trách nhiệm hình sự:
Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 sửa đổi Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đánh bạc trái phép như sau:
“Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.
Như vậy, pháp luật chỉ xem xét đến giá trị tài sản được hoặc thua từ việc đánh bạc mà kết luận người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này hay không(đương nhiên là đã xem xét đến yếu tố chủ thể có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không rồi) chứ không xem xét đến việc người chơi có cố ý chơi không hay bị rủ rê chơi và chơi trực tiếp hay thông qua trung gian hay chơi qua mạng điện tử hay các hình thức khác.Theo đó, nếu người chơi có năng lực trách nhiệm hình sự (đủ 16 tuổi trở lên và không bị mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức và điểu khiển hành vi) và đánh bạc được thua từ 5.000.000 đồng trở lên thì đương nhiên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, nếu giá trị dưới 5 triệu đồng thì người chơi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thuộc các trường hợp sau:
• Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật (hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc)
• Đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này(tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) , chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Về hình phạt với tội đánh bạc thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hoàn cảnh, thái độ của người chơi mà người chơi có thể bị áp dụng các mức hình phạt khác nhau theo quy định tại Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 sửa đổi Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 như sau: (trường hợp có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức hình phạt cụ thể sẽ do tòa quyết định)
“Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
– Xử lý vi phạm hành chính: Trường hợp có hành vi đánh bạc trái phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì vì đây cũng là một hành vi vi phạm pháp luật do đó người chơi sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính về hành vi này, cụ thể, nếu người chơi đủ năng lực trách nhiệm hành chính(có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu do lỗi cố ý hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên trong mọi trường hợp vi phạm) , khi đó hành vi này theo Khoản  Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP sẽ bị xử lý như sau: 
“Điều 26. Hành vi đánh bạc trái phép
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;[…]”
Kết luận lại thì hành vi đánh bạc trái phép dù ít hay nhiều đều sẽ bị xử lý, tuy nhiên, giá trị nhiều hay ít sẽ quyết định việc người chơi sẽ bị xử phạt hành chính hay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Thẩm quyền xử lý người có hành vi đánh bạc trái phép

Căn cứ vào khoản 1, 4 , 6, 7, 8 điều 9 Pháp lệnh số: 06/2008/PL-UBTVQH12 pháp lệnh công an xã thì công an xã có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau::
“Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã
1. Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, đề xuất với cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch, biện pháp đó.
4. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã.
6. Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc.
7. Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp.
8. Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.”
Như vậy, theo quy định này thì công an xã hoàn toàn có thẩm quyền bắt người đánh bạc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, thực hiện nhiệm vụ thì công an xã cũng cần phải báo cáo với cơ quan công an cấp trên về tình hình thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng thẩm quyền, tránh lạm dụng quyền lực nhà nước.
– Về thẩm quyền xử lý hành vi đánh bạc:
+ Trường hợp người đánh bạc có dấu hiệu tội phạm: Thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can(người đánh bạc) là thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng(bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong đó cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng bao gồm: các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Hải quan;Kiểm lâm; lực lượng Cảnh sát biển; Kiểm ngư; Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.)
Việc quyết định người đánh bạc có phạm tội hay không và mức hình phạt cụ thể là gì chỉ thuộc về Tòa án.
Theo đó, nếu cơ quan bắt giữ là công an xã thì khi thấy người vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan công an xã phải báo cáo và giao người bị bắt cho cơ quan điều tra(cấp huyện) xem xét, điều tra, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can(người đánh bạc)
+ Trường hợp người đánh bạc chỉ bị xử lý hành chính: như đã xác định ở trên thì hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 -2.000.000 đồng, và hành vi này được xác định là hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực về phòng, chống tệ nạn xã hội quy định tại điểm b Khoản 1  Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012,(có mức phạt tiền tối đa là 40.000.000 đồng) do đó, căn cứ các quy định tại Chương II Luật này thì với mức phạt này thì nếu những chủ thể này phát hiện hành vi đánh bạc trái phép thì họ sẽ có thẩm quyền phạt tiền người đánh bạc, cụ thể bao gồm các chủ thể như: Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp;(Điều 38); Công an nhân dân(Điều 39); Bộ đội biên phòng (Điều 40); Cảnh sát biển(Điều 41); Hải quan(Điều 42)… Tuy có nhiều chủ thể có thẩm quyền phạt tiền hành vi đánh bạc trái phép nhưng cần lưu ý rằng hành vi này chỉ bị phạt tiền 1 lần và theo mức pháp luật quy định, do đó, nếu đã bị 1 trong các chủ thể có thẩm quyền phạt tiền thì người đánh bạc không phải nộp phạt cho bất kỳ chủ thể nào khác nữa kể cả họ có thẩm quyền.
Trên đây là tư vấn từ Luật Việt Phong về việc xử lý người đánh bạc trái phép. Chúng tôi hy vọng quý khách có thể vận dụng được các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan , hoặc cần tư vấn, giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý
Chuyên viên: Nguyễn Thị Thu

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Biện pháp xử lý và thẩm quyền xử lý hành vi đánh bạc
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề