Cảnh sát giao thông đi một mình có được tiến hành xử phạt đối với những hành vi vi phạm luật giao thông không?

Nội dung tư vấn:

Trong quá trình tham gia giao thông, mọi người có thể từng chứng kiến cảnh tượng một cảnh sát giao thông đi một mình thổi phạt xe đang đi đường, yêu cầu dừng xe và phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, người dân không khỏi thắc mắc, băn khoăn liệu một cảnh sát giao thông đi một mình có được tiến hành xử phạt đối với những hành vi vi phạm luật giao thông không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

image 20211025110830 1

Luật sư tư vấn:

Căn cứ pháp lý:

  • Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông
  • Thông tư 01/2016/TT-BCA (hết hiệu lực từ ngày 05/8/2020) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông

Cảnh sát giao thông đi một mình có được quyền dừng xe và xử phạt hay không?

Theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát như sau:

“1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.” 

Và căn cứ theo Khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

“a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

d) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.”

Như vậy, dựa trên góc độ pháp lý, Cảnh sát giao thông hoàn toàn có quyền hạn được dừng các phương tiện tham gia giao thông trong các trường hợp nêu trên. Vì trong quy định này không đề cập đến số lượng người trong tổ tuần tra kiểm sát cần từ 02 người trở lên nên việc cảnh sát giao thông đi một mình yêu cầu dừng xe và xử phạt hành chính là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Khi tuần tra kiểm soát mà gặp một trong các trường hợp trên, Cảnh sát giao thông phải nhanh chóng lập biên bản để ngăn chặn hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh không làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông.

Hiện nay có rất nhiều người vẫn nhầm tưởng về tổ chức tổ tuần tra, kiểm soát giao thông phải có từ 02 người trở lên, nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật tại Điểm b Khoản 3 Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA (hết hiệu lực từ ngày 05/8/2020)  về điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:

“b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kim soát, xử lý theo quy định của pháp luật;”

Như vậy có thể suy luận, trong trường hợp lập tổ tuần tra, kiểm soát kết hợp với hóa trang nhất thiết phải bố trí một bộ phận cán bộ trong tổ để hóa trang, vì vậy để đảm bảo tổ tuần tra trong trường hợp này thì phải có ít nhất từ 02 người trở lên. Tuy nhiên đối với các trường hợp tuần tra, kiểm soát thông thường không có quy định cụ thể nào ấn định số lượng Cảnh sát giao thông trong tổ tuần tra. Đồng thời Thông tư này cũng được thay thế bới Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2020.

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề