Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Tóm tắt câu hỏi:

Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Thưa luật sư, tôi là công dân Lào, tôi muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì cần những điều kiện gì?

Mong sớm nhận được câu trả lời của luật sư, tôi xin cảm ơn!

Người gửi:  (Dấu tên)

Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

( Ảnh minh họa:Internet)
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi 1900 6589

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự năm 2005

– Luật Quốc tịch năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014

– Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2014/NĐ-CP

2/ Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Căn cứ theo Điều 19 Luật Quốc tịch năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

Một là, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, căn cứ theo Điều 17 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, trừ những người từ đủ 18 tuổi trở lên mà bị mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22) và bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23). Căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2005:

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Điều 23. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2. Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện do Toà án quyết định. Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Hai là, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. Theo đó, bạn muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như tôn trọng truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam.

Ba là, biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam. Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó.

Bốn là, đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú. Như vậy, bạn phải được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam ít nhất là 5 năm.

Năm là, có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam. Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Mặt khác, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện thứ ba, bốn, năm nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

– Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.

– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó.

– Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận việc nhập quốc tịch của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển trong các lĩnh vực nói trên của Việt Nam.

Như vậy, bạn phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên thì bạn có thể đủ điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu bạn nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước Lào, trừ khi bạn là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam hoặc là người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc là người có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Trừ trường hợp đặc biệt có thể được chấp nhận nếu được Chủ tịch nước cho phép. Bạn phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do bạn lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bạn sẽ không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề