Người chưa thành niên điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Tóm tắt tình huống

Cháu của tôi năm nay 15 tuổi, đi xe máy, do phóng nhanh đã đâm vào một người đang đi xe đạp làm cho người này bây giờ bị liệt, không còn khả năng đi lại nữa. Gia đình nhà cháu cũng đang thỏa thuận bồi thường với người kia. Nhờ luật sư tư vấn cho tôi là cháu tôi có bị xử lý hình sự không? Và bồi thường thiệt hại như thế nào ạ?
Người gửi: Đặng Thoan
infonet 1 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị quyết 02/2003/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngà 17 tháng 03 năm 2003 hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự;
– VBHN số 02/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2014 về Xử lý vi phạm hành chính;
– Nghị định số 46/2016/NĐ – CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

2. Người chưa thành niên điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Điều 202 – Bộ luật Hình sự quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Trong trường hợp của cháu bạn với hành vi gây tai nạn do vi phạm luật giao thông đường bộ, gây tại nạn giao thông dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác. Bạn chưa cung cấp thông tin về giám định tỷ lệ thương tật của người bị đâm xe nhưng bạn cho biết người đó bị liệt không thể đi lại được thì đây là được xem là gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người khác. Tại Nghị quyết 02/2003/NQ – HĐTP quy định về “gây thiệt hại nghiêm trọng” về hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ, trong đó: “Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên”.
Với hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bị tai nạn đó thì căn cứ vào điểm a – khoản 2 – Điều 202 – Bộ luật Hình sự  với trường hợp không có bằng lái xe hay giấy phép lái xe theo quy định thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 
Tuy nhiên, với hành vi phạm tội như vậy, cháu của bạn chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này hay không?
Phân tích cấu thành tội phạm của tội phạm này như sau:
– Về mặt khách thể: trật tự an toàn giao thông đường bộ.
– Về mặt chủ thể: phải có năng lực trách nhiệm hình sự về độ tuổi theo quy định tại Điều 12 – Bộ luật Hình sự và không thuộc các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 13 – Bộ luật Hình sự.
Về độ tuổi quy định như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
– Về mặt chủ quan: hành vi phạm tội đối với tội phạm này chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin hay vô ý do cẩu thả.
– Về mặt khách quan: trước hết là vi phạm pháp luật về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Sau đó là hậu quả của hành vi vi phạm. Hậu quả là gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. 
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ – HĐTP thì thiệt hại được coi là nghiêm trọng nếu thuộc các trường hợp sau: 
“a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.
Như vậy, nếu có đủ những yếu tố trên thì cháu của bạn mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 202 – Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trường hợp này của cháu bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự về tôi này. Bởi vì: cháu của bạn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Về mặt chủ thể, cháu của bạn 15 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ở đây, tội vi phạm điều khiển giao thông đường bộ chỉ do lỗi vô ý chứ không phải lỗi cố ý; hành vi vi phạm này của cháu bạn có thể thuộc vào trường hợp tại khoản 2 – điều 202 – Bộ luật Hình sự là bị phạt từ từ 3 năm đến 10 năm, đây được coi là tội phạm rất nghiêm trọng. Vì vậy, mặc dù là tội phạm rất nghiêm trọng nhưng lỗi vô ý nên cháu của bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. 
Trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn, cháu của bạn phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại đối với người bị tai nạn.
Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính:
Điểm a – khoản 1 – Điều 5 VBHN số 02/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2014 về Xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
Cháu của bạn 15 tuổi bị xử phạt do cố ý, hành vi vi phạm của cháu bạn là không đủ tuổi theo quy định để điều khiển xe máy, phóng nhanh; đó đều là những lỗi cố ý, vậy nên cháu của bạn phải bị xử phạt hành chính. 
Khoản 1 – Điều 21 – Nghị định số 46/2016/NĐ – CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau: “Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.
Khoản 3 – Điều 134- Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: 
“Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. […]”
Thứ hai, về bồi thường thiệt hại:
Theo quy định tại khoản 1 – Điều 13 – VBHN số 02/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2014 về Xử lý vi phạm hành chính như sau:
Người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Điều 586 – Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau: 
“…2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình…”.
Trường hợp cháu bạn gây thiệt hại đến sức khỏe người bị tai nạn, có thể căn cứ vào những quy định Điều 590 – Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau để thỏa thuận mức bồi thường cho người bị thiệt hại:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Khoản 1 – Điều 593 – Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau: “Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Từ những quy định trên về bồi thường thiệt hại, áp dụng những nguyên tắc bồi thường quy định tại Điều 585 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:  
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
Nếu các bên không thỏa thuận được được bồi thường thiệt hại mà có tranh chấp thì một trong hai bên có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân về tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại Điều 26 – Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 588 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Từ những phân tích trên, trường hợp cháu của bạn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi mới 15 tuổi, với tội phạm rất nghiêm trọng nhưng do lỗi vô ý nên cháu của bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự mà sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của luật xử phạt hành chính. Về mức bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận dựa trên những thiệt hại về sức khỏe và những nguyên tắc bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Nếu không thỏa thuận được về việc bồi thường, hai bên có thể yêu cầu ra tòa án để giải quyết việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Người chưa thành niên điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Chuyên viên: Hoàng Thị Nụ

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Người chưa thành niên điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề