Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Nội dung câu hỏi:

Em có mua một chiếc xe đạp của 1 anh thanh niên (X) với giá 2tr6 , hôm sau em bán lại cho người khác với giá 3tr9. Nhưng 05 tuần sau, sau khi được gọi lên phường thì em mới biết anh thanh niên (X) kia là ăn trộm. Trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào, và trách nhiệm đền bù của ăn trộm sẽ thuộc về ai?

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống bạo lực gia đình

Tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

Theo Điều 323 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

“Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Theo điểm d) khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác


2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;”

Căn cứ từ những quy định pháp luật trên, việc tiêu thụ hoặc chứa chấp tài sản do phạm tội mà có tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc  sẽ bị xử lý về vi phạm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn là người tiêu thụ của gian nhưng không biết đó là tài sản do phạm tội mà có thì sẽ không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm ( lỗi cố ý trực tiếp) của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định trong Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Như vậy trong trường hợp này bạn không biết được cái xe đạp đó là tài sản do phạm tội có được thì việc tiêu thụ chỉ là 1 giao dịch dân sự thông thường, sau khi biết tài sản đó là tài sản phạm tội có được thì giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu. Bạn có thể đưa ra các bằng chứng, chứng minh bản thân không hề biết chiếc xe đạp đó là do người phạm tội mà có được với cơ quan công an. Nếu không, việc điều tra, xác minh sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội theo nguyên tắc suy đoán vô tội.

5/5 - (1 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề