Tư vấn ly hôn đối với phụ nữ đang mang thai

Tóm tắt câu hỏi:

Tư vấn ly hôn đối với phụ nữ đang mang thai
Chào luật sư!. Tôi có một số câu hỏi muốn nhờ luật sư giúp. Tôi kết hôn từ năm 2012. Chúng tôi đã có một con gái 23 tháng. Và hiện tại tôi đang mang thai đứa thứ 2 được 15 tuần. Trong thời gian chung sống cùng chồng và gia đình chồng, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa vợ chồng, và thành viên trong gia đình chồng. Thời gian tôi mang thai đứa thứ nhất tôi ở nhà nội trợ và chăm con. Tôi thường xuyên bị xúc phạm và bị đánh đập. Bây giờ tình trạng đã khá hơn nghĩa là tôi không bị đánh đập chửi bới nhưng cuôc sống vợ chồng không có tiếng nói chung. Tôi cảm thấy bị áp lực và cảm thấy cuộc sống hôn nhân gia đình không thể kéo dài thêm được. Hiện tôi đã đi làm được 1 tháng lương 3 triệu đồng. Chồng tôi thu nhập 40-50 triệu đồng 1 tháng. Tôi có câu hỏi sau nhờ luật sư giải đáp: Tôi muốn ly hôn và giành quyền nuôi con liệu có được không? Về tài sản nếu tôi ly hôn thì tôi có nhận được gì không vì khi lấy chồng tôi có của hồi môn mẹ đẻ cho và góp vốn vào kinh doanh, nhưng đã bị thua lỗ hết. Tôi mong nhận được phản hồi của phía luật sư sớm để tôi có hướng giải quyết cho vấn đề của mình. Tôi xin cảm ơn!.

Người gửi: Lý Nhã Phương (Hà Nội)

Tư vấn ly hôn đối với phụ nữ đang mang thai

( Ảnh minh họa:Internet)
Tư vấn luật: 1900 6589

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

2. Quyền yêu cầu ly hôn

Căn cứ theo Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo căn cứ pháp luật nêu trên, chồng bạn không có quyền yêu cầu ly hôn khi bạn đang mang thai, tuy nhiên bạn vẫn có quyền xin ly hôn trong khi đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (kể cả trường hợp hai người thuận tình ly hôn). Do đó, trường hợp việc tiếp tục chung sống với chồng bạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn và/hoặc bào thai trong bụng bạn, bạn có quyền nộp đơn xin ly hôn và tòa án sẽ thụ lý và giải quyết.

Trong trường hợp chồng bạn đồng ý ly hôn thì bạn sẽ ly hôn theo thủ tục thuận tình ly hôn.

3/ Thủ tục ly hôn được tiến hành như sau:

-Bạn nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND quận/huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng;

-Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc Tòa án kiểm tra đơn và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho bạn,

-Bạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;

-Trong thời hạn 15 ngày làm việc Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải.

-Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành (không thay đổi quyết định về việc ly hôn) nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Hồ sơ ly hôn bao gồm:

– Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn (theo mẫu của từng Tòa);

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

– Sổ hộ khẩu, CMTND (bản sao);

– Giấy khai sinh của con (bản sao – nếu có);

– Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: GCNQSDĐ (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao);

4/ Hậu quả pháp lý khi ly hôn

– Đối với con cái:

Căn cứ theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, về quyền nuôi con, trong trường hợp con bạn mới được 23 tháng tuổi thì bạn có quyền nuôi con. Tuy nhiên bạn phải chứng minh được khả năng tài chính, điều kiện sống, mức sống hiện tại của bạn để đáp ứng các điều kiện tốt nhất cho con.  Nếu bạn không đủ khả năng tài chính, thì Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện nuôi dưỡng con cả bạn và chồng bạn về mặt giáo dục, tình cảm, kinh tế…để xem xét ai có đủ khả năng nuôi con và phù hợp với lợi ích của con tốt hơn.

– Ngoài ra, đối với bào thai trong bụng bạn, cũng có các quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2014 tại Điều 88 về Xác định cha, mẹ cho con như sau: 

 ” 1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.” 

Như vậy, tuy bạn đang mang thai và chuẩn bị ly hôn , con chưa được sinh ra nhưng vẫn được xác định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân và xác định được cha đứa bé. Nên dù mang thai thì khi sinh ra người cha vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

– Về phân chia tài sản sau ly hôn: 

Căn cứ theo Điều 59 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

Điều 64. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.”

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Trong trường hợp vợ chồng bạn có tài sản chung thì khi ly hôn sẽ được chia theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được sẽ được chia theo công sức đóng góp, tạo lập và duy trì tài sản chung đó. Như vậy, dù thu nhập của chồng bạn có cao hay thấp thì đó vẫn được coi là tài sản chung được tạo lập do thu nhập lao động trong thời kỳ hôn nhân và là sở hữu chung của 2 vợ chồng, khi ly hôn, tài sản đó vẫn được chia đôi có tính đến các yếu tố quy định tại điều 59 nói trên, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu có tài sản chung đưa vào kinh doanh, tuy nhiên việc kinh doanh đó bị thua lỗ trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ không được tính để chia tài sản chung nữa.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Tư vấn ly hôn đối với phụ nữ đang mang thai. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

LUẬT VIỆT PHONG – PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Tư vấn ly hôn đối với phụ nữ đang mang thai
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề