Cách thức giải quyết chế độ tiền lương của người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài

Em có chút chuyện muốn nhờ mọi người ai hiểu về luật tư vấn giúp em! 
Chuyện là em có quen một cô năm nay 50 tuổi, cô có đi làm giúp việc bên Ả Rập Xê Út được 2 năm, đến 2017 cô về nước, trong quá trình làm việc 2 năm bên đó cô bị chủ khống chế không cho gọi điện thoại về nhà, không liên lạc được với ai, cũng không được ra ngoài gặp gỡ ai hết, đến tháng lĩnh lương cô nhờ chủ bên đó gửi tiền vào tài khoản của cô ở Việt nam, mỗi lần như vậy chủ đều mang về cho cô tờ giấy biên lai đã gửi tiền, giờ về Việt nam cô vẫn giữ những tờ giấy biên lai đó, nhưng khi cô đi kiểm tra tài khoản của mình thì không có 1 đồng nào trong tài khoản cả!!! 
Cô có lên công ty môi giới đã đưa cô đi để hỏi thì họ nói ông giám đốc đó đã nghỉ, lên Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng không giải quyết được gì! Giờ cô về Việt nam đã hơn 1 năm vẫn chưa lấy được tiền, cô nói bây giờ không biết làm thế nào để lấy được số tiền cô đã vất vả 2 năm bên đó tất cả là 120 triệu!
Số tiền đó của cô cũng không biết đã đi về đâu? 
Em cũng không biết phải giúp cô từ chỗ nào, đành nên đây hỏi xem cô, bác, anh chị nào biết làm thế nào và bắt đầu từ đâu để giúp cô lấy lại số tiền đó? 
Em cũng là người lao động cũng từng đi nước ngoài làm nên em có thể hiểu được phần nào sự vất vả khổ nhục mà cô phải chịu suốt 2 năm trời , vậy mà khi về lại không có 1 đồng nào! 
Gia cảnh của cô thì rất khổ, chồng cô mất sớm, cô được 1 cậu con trai sinh năm 91, nhà một mẹ một con! 
Em viết nên đây với hi vọng mọi người có thể giúp được gì đó, và xin mọi người hãy chia sẻ bài viết giúp em để có ai đó giúp cô lấy lại tiền ạ . 
Cảm ơn mọi người!
Tên cô là: Bùi Thị Toan, thôn Ao Kềnh, xã Thành Lập, huyện Yên Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Rất mong nhận được phản hồi sớm từ quý công ty!
Trân trọng,

Đức An

Căn cứ pháp lý

– Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006
– Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

image 1487218622 xuat khau ld 1

Luật sư tư vấn

Xin chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: từ những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy bạn đang gặp vướng mắc trong vấn đề pháp lý liên quan đến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dựa theo thông tin được cung cấp và căn cứ theo quy định có liên quan để áp dụng vào trường hợp này, hiện tại đang xảy ra tranh chấp trong quan hệ lao động liên quan đến:
– Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động đưa người đi làm việc ở nước ngoài giữa bên người lao động ( là người lao động Việt Nam )– công ty môi giới việc làm ( pháp nhân Việt Nam ) – người sử dụng lao động ( người nước ngoài ở A rập xê út )?
– Cơ chế giải quyết chế độ tiền lương của người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài?

Theo quy định pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc giao kết hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài được xác định theo hình thức được quy định tại điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Điều 6. Các hình thức đi làm việc ở nước ngoài
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau đây:
1. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Như vậy, trong trường hợp này sẽ phát sinh quan hệ lao động giữa cô Toan và công ty môi giới việc làm.Cho nên, tranh chấp về tiền lương giữa 2 bên trong quan hệ lao động được giải quyết dựa theo khoản 1 điều 73 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

Điều 73. Giải quyết tranh chấp
1. Tranh chấp giữa người lao động và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được giải quyết trên cơ sở hợp đồng ký giữa các bên và quy định của pháp luật Việt Nam.

Người lao động được xem là đối tượng thuộc nhóm “yếu thế” trong quan hệ lao động, chính vì vậy nhà làm luật đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, hỗ trợ, tạo điều kiện để đảm bảo quyền và lợi ích được kịp thời, ổn thỏa. Theo đó, tại điều 99 BLLĐ 2012 quy định:

Điều 99. Trả lương thông qua người cai thầu
1. Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân theo quy định của pháp luật về trả lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Như vậy trong trường hợp này công ty môi giới phải có trách nhiệm chi trả tiền lương cho người lao động. Tuy nhiên, công ty môi giới việc làm thoái thác trách nhiệm, không thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề cho nên đã dẫn đến tranh chấp lao động.

Theo đó, liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại chương XIV BLLĐ 2012. Trước tiên, pháp luật công nhận nguyên tắc 2 bên trực tiếp thương lượng theo điều 194 BLLĐ 2012 quy định:

Điều 194. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
5. Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
6. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện.

Hiện tại pháp luật chỉ ra 2 cách thức giải quyết tranh lao động là thông qua cơ chế về:
– Hòa giải viên lao động
– Thủ tục tố tụng tại Tòa dân sự

  • Đối với, cơ chế để giải quyết tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với công ty môi giới việc làm dựa theo điều 198 BLLĐ 2012 quy định:
Điều 198. Hòa giải viên lao động
1. Hoà giải viên lao động do cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để hoà giải tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề.

Dựa theo pháp luật liên quan đến hòa giải viên lao động, tại điều 7 thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH quy định:

Điều 7. Tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động
1. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề.
2. Bên yêu cầu hòa giải được lựa chọn hòa giải viên lao động để đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
3. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
Quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động theo mẫu số 04/HGV ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động phải thông báo chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp hòa giải cho các bên tranh chấp biết trước ít nhất một ngày làm việc trước khi tiến hành.
Như vậy, trong trường hợp này, cô Toan chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu đã ký kết trước khi đi làm việc ở nước ngoài và những chứng cứ được cơ quan tại nước ngoài xác nhận về việc đã gửi tiền và nộp tại cơ quan Phòng lao động thương binh và xã hội nơi cơ quan môi giới đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.
  • Ngoài ra, đối với cơ chế thông qua hệ thống cơ quan Tòa án, theo điều 39 BLTTDS 2015 quy định:
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về tranh chấp lao động liên quan đến tiền lương. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Thu Thủy

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề