Công chức, viên chức sinh con thứ ba bị xử lý kỷ luật như thế nào?

Posted on Tư vấn luật hành chính 488 lượt xem

Thưa Luật sư, tôi hiện đang là giáo viên, không phải Đảng viên. Tôi đang mang thai lần ba và sắp sinh cháu trong vài tuần nữa. Theo thông tin tôi đọc được thì kể từ năm 2014, công chức, viên chức sinh con thứ ba sẽ không bị xử lý kỷ luật nữa. Thông tin đó có đúng không? Như tôi bây giờ có bị coi là vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình không? Nếu vi phạm thì tôi phải chịu hình thức kỷ luật nào? Tôi xin cảm ơn Luật sư!

Người gửi: Lương Thị Hoài (Nghệ An)

Căn cứ pháp lý

 – Pháp lệnh Dân số năm 2003;
 – Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số;
 – Nghị định số 20/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số;
 – Nghị định số 18/2011/NĐ-CP Sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP;
 – Quyết định số 09-QĐ/TW ngày 24/3/2011 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình;
 – Quy định một số chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An).

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm quy định về chính sách dân số.

Dân số là một cấu thành quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm các vấn đề về dân số, một trong các vấn đề đó là vấn đề sinh con thứ ba. Những năm trước đây, nước ta bước vào thời kỳ bùng nổ dân số, đòi hỏi Nhà nước ta phải có các chính sách thích hợp nhằm kiềm chế sự gia tăng dân số. Do đó, Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số đã quy định một trong các quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản là: “Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Các trường hợp này được quy định tại Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số và Nghị định số 18/2011/NĐ-CP Sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP, bao gồm:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Đối với trường hợp vi phạm quy định nêu trên, trước đây, khoản 2 Điều 2 Nghị định 114/2006/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em quy định: “Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú”.

Năm 2013, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế (có hiệu lực kể từ 31/12/2013) ra đời thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP thì không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ ba” nữa. Đây  được coi là một chính sách mở để đối phó với tình trạng già đi của dân số của Việt Nam trong tương lai. Do đó, một số ý kiến nhận định rằng từ ngày 31/12/2013 thì việc sinh con thứ ba không còn bị xử lý kỷ luật nữa.

Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Dân số năm 2003 và các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành (vẫn còn hiệu lực) thì các trường hợp sinh con thứ ba không thuộc một trong bảy trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì vẫn bị coi là vi phạm quy định về sinh một hoặc hai con.
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Nghị định do Chính phủ ban hành. Do đó, khi lựa chọn áp dụng quy định của một trong hai văn bản nêu trên, ta cần ưu tiên áp dụng các quy định trong Pháp lệnh Dân số. Tức là, về nguyên tắc, việc sinh con thứ ba theo quy định của pháp luật hiện hành hiện nay vẫn được coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số cần được xử lý. Tuy nhiên, trong Pháp lệnh Dân số cũng như các văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành có liên quan không hề có quy định cụ thể nào về hình thức xử lý vi phạm đối với trường hợp sinh con thứ ba.
Vậy hình thức xử lý kỷ luật hành chính đối với trường hợp sinh con thứ ba cụ thể là như thế nào? Vấn đề này hiện nay được phân chia thành 2 trường hợp sau đây:

– Người vi phạm là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: xử lý kỷ luật về đảng theo Quyết định số 09-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Theo đó, trường hợp đảng viên vi phạm quy định về sinh một hoặc hai con thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách; sinh con thứ 4 thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ); sinh con thứ 5 trở lên thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi tổ chức Đảng.
– Người vi phạm không phải Đảng viên: hình thức xử lý cụ thể đối với cán bộ, công chức vi phạm được quy định cụ thể trong Thông tư, Quyết định về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình do Bộ, ngành nơi người vi phạm công tác; Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của Hội đồng nhân dân nơi người vi phạm sinh sống.
Như vậy, đối với trường hợp của chị, từ các thông tin chị cung cấp, chúng tôi chưa thể đưa ra tư vấn cụ thể về việc chị có vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình hay không do chưa xác định được chính xác chị có thuộc một trong bảy trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định đã trình bày trên đây hay không. Trong trường hợp chị không thuộc một trong bảy trường hợp nêu trên, việc chị sinh con thứ ba là vi phạm quy định sinh một hoặc hai con theo quy định về pháp luật dân số và phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định tại Quy định một số chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An). Theo đó, hình thức xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức (kể cả hợp đồng lao động); cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang; công nhân, người lao động có hưởng lương (bao gồm nhà nước và tư nhân) khi sinh con thứ ba trở lên là:
“- Sinh con thứ ba trở lên (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách; làm đơn rút tên khỏi chức danh lãnh đạo (nếu có chức vụ); thuyên chuyển vị trí công tác khác hoặc thuyên chuyển đến địa bàn công tác khác có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hơn; không đưa vào xem xét quy hoạch bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm kể từ ngày vi phạm, nếu có trong quy hoạch thì xem xét đưa ra khỏi chức danh quy hoạch hiện tại; không xem xét thi nâng ngạch, chuyển ngạch; kéo dài thời gian xét nâng bậc lương trong thời gian 3 – 6 tháng.
– Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật, nếu tiếp tục vi phạm chính sách DS- KHHGĐ thì tiến hành xử lý kỷ luật với các hình thức cao hơn.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm quy định về chính sách dân số. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Chuyên viên: Đức Luân

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại

Để được giải đáp thắc mắc về: Công chức, viên chức sinh con thứ ba bị xử lý kỷ luật như thế nào?
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề