Đánh ghen sao cho đúng luật

Xin hỏi luật sư, Làm thế nào đánh ghen sao cho đúng luật?  – Bạn đọc Trương Nhã Uyên (Đà Lạt)

R

Luật sư Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:

Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể về việc đánh ghen trong bất cứ văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên việc đánh ghen nếu gây ra thương tích hoặc làm nhục người khác thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào hành vi, hậu quả gây ra đánh ghen có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Ví dụ, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng. (Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP)

Trường hợp nếu đi đánh ghen hoặc thuê người khác đánh ghen mà xâm hại đến sức khỏe của đối phương thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng (điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Nếu như hành vi đánh ghen gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người đánh ghen có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác. Những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng có thể cấu thành tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015) hoặc tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015). Ngoài ra, hành vi đánh ghen nếu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác gây thiệt hại có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Vậy phải đánh ghen sao cho đúng luật? Hôn nhân là sự liên kết trên cơ sở tự nguyện của hai bên nam nữ: Hai bên nam nữ có quyền tự mình quyết định việc kết hôn, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị cản trở. Sau khi kết hôn, việc duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân dựa trên sự tự nguyện của mỗi bên vợ, chồng. Về mặt tình cảm, những người phá vỡ lời thề trong hôn nhân là những người sai và chịu dằn vặt. Hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự, đánh nhau gây thương tích cho đối phương thì người đánh ghen cũng phải chịu hậu quả khôn lường. Vì vậy khi rơi vào trường hợp này bạn có thể chọn cách giải quyết thông minh là khởi kiện đối phương. Bạn cần thu thập chứng cứ xác đáng chứng minh quan hệ ngoại tình của vợ hoặc chồng với tình nhân. Sau đó tiến hành tố cáo đến các cơ quan chức năng (có thể lựa chọn cơ quan công an hoặc UBND cấp xã) hoặc cơ quan làm việc của người ngoại tình với tình nhân.

Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ… sẽ bị phạt hành chính từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng. Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể xử lý hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 01 năm theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.

Do đó, căn cứ vào hậu quả gây ra do hành vi ngoại tình mà đối phương có thể bị xử lý theo mức phạt tương ứng. Nếu đối phương ngoại tình dẫn đến việc hai người ly hôn thì đối phương có thể bị xử phạt cải tại không giam giữ hoặc bị phạt tù theo như quy định trên.

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tổng đài 24/7 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề