Tội vu khống, xúc phạm người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?

Posted on Tư vấn pháp luật 220 lượt xem

Xin hỏi, Pháp luật xử lý hành vi vu khống, xúc phạm cá nhân trên mạng xã hội như thế nào?  – Bạn đọc Trần Linh Hoa (TP.Hồ Chí Minh)

vu khong

Luật sư Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:

Hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Trường hợp xử lý hành chính: Người nào vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức và ½ mức phạt tiền đối với cá nhân.

*Biện pháp khắc phục hậu quả: Người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Trường hợp xử lý trách nhiệm hình sự: Hành vi vu khống, xúc phạm một cách nghiệm trọng sẽ bị xử lý căn cứ theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

*Hành vi vu khống người khác trên mạng xã hội tại Điều 156 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

– Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

+ Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

+ Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

+ Đối với người đang thi hành công vụ;

+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

+ Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Vì động cơ đê hèn;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

+ Làm nạn nhân tự sát.

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

* Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

– Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+Đối với 02 người trở lên;

+Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+Đối với người đang thi hành công vụ;

+Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

+Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

+Làm nạn nhân tự sát.

– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người có hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại thực tế cho người bị hại theo Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Kèm theo đó người vi phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu và việc bồi thường phải thực hiện kịp thời. Mức bồi thường cũng như hình thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận.

Như vậy, việc xử lý hành vi vu khống, xúc phạm người khác trên mạng xã hội cần căn cứ vào những hành vi thực hiện, tính chất nghiêm trọng của hành vi và hậu quả gây ra của hành vi đó để xác định xử lý vi phạm.

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tổng đài 24/7 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề