Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tử vong do sự cố chập điện

Chào luật sư, em là sinh viên ngành Quản lí công nghiệp. Hiện em đang làm một đề tài về phòng cháy chữa cháy trong môi trường công nghiệp. Với tình huống nhóm em đặt ra như sau: Tại một công ty gỗ, công ty chưa từng huấn luyện công tác PCCC cho nhân viên và thiết bị chữa cháy cũng sơ sài, qua loa. Một hôm nhà xưởng cháy do chập điện, có 2 công nhân tử vong. Vậy cho em hỏi công ty sẽ bị xử lý như thế nào và mức bồi thường cho thân nhân nạn nhân ra sao ạ? Em xin cảm ơn.
Huỳnh Kiều Tiên. 

Căn cứ pháp lý: 
– Bộ luật lao động 2019
– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
– Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
– Luật Bảo hiểm xã hội 2014
– Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động

unnamed 3

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Công ty Luật Việt Phong, đối với câu hỏi của bạn Công ty Luật Việt Phong xin được tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau: theo những thông tin bạn chia sẻ, chúng tôi thấy rằng bạn đang thắc mắc về vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tử vong do tai nạn lao động. 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì 2 công nhân tử vong tại nhà xưởng (nơi làm việc), thuộc trường hợp tai nạn lao động làm chết người lao động. Tai nạn lao động làm chết người lao động theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động được định nghĩa: 

Điều 9. Phân loại tai nạn lao động

1. Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chết tại nơi xảy ra tai nạn;

b) Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;

c) Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;

d) Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.


Trong trường hợp bạn đưa ra, 2 công nhân bị tử vong trong khi đang ở công ty do sự cố chập điện của công ty. Đây được xác định là trường hợp tai nạn lao động làm chết người. Hiện nay, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động được quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

11. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

Đối với cơ sở xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm được quy định tại Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động như sau: 

Điều 18. Trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động

1. Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.

2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

3. Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng theo nguyên tắc sau đây:

a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);

b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước Điều tra theo quy định của Nghị định này và được sự đồng ý bằng văn bản của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.

4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.

5. Tạo Điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.

6. Thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để Điều tra các vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

7. Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc cơ sở của mình.

8. Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động trong thời gian như sau:

a) 15 năm đối với vụ tai nạn lao động chết người;

b) Đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu đối với vụ tai nạn lao động khác.

9. Thanh toán các Khoản chi phí phục vụ cho việc Điều tra tai nạn lao động kể cả việc Điều tra lại tai nạn lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 27 Nghị định này, trừ trường hợp tai nạn lao động được Điều tra lại theo yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

10. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản Điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.

Ngoài trách nhiệm nêu trên, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm trợ cấp cho thân nhân người lao động, cụ thể được quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, trợ cấp mai táng được quy định tại Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

Điều 66. Trợ cấp mai táng

1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên

b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

3. Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này.

Người sử dụng lao động còn phải trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: 

Điều 67. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần

b) Đang hưởng lương hưu;

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

Như vậy, trường hợp mà bạn đề cập đến được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo Điểm c, Khoản 1 Điều 67. Mức trợ cấp tuất hằng tháng được quy định tại Điều 68 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau: 

Điều 68. Mức trợ cấp tuất hằng tháng

1. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

2. Trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người; trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

Trường hợp không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng hoặc thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần thì được hưởng trợ cấp tuất một lần. theo quy định tại Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 

Như vậy, người sử dụng lao động phải bồi thường và trả các chi phí sau:  

– Các khoản chi trả cho cứu chữa, khắc phục hậu quả do tai nạn lao động. 

– Khoản bồi thường thiệt hại ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. 

– Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng xảy ra tai nạn lao động.

– Trợ cấp tuất hàng tháng. 

Ngoài ra trong trường hợp điều tra tai nạn lao động, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cụ thể các yếu yếu tố cấu thành tội phạm gồm có: 

– Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này có thể là chủ thể thường hoặc chủ thể đặc biệt. Đối với chủ thể đăc biệt thì là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

– Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả). Người có hành vi vi phạm quy định này đếu không mong muốn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do quá cẩu thả.

– Khách thể của tội phạm:

Tội phạm này xâm phạm đến sự an toàn trong lao động sản xuất hoặc ở những nơi đông người; xâm phạm đến sức khoẻ, tài sản, tính mạng của công dân.

– Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi phạm tội của tội phạm này bao gồm ba loại hành vi: vi phạm các quy định về an toàn trong lao động sản xuất; vi phạm các quy định về vệ sinh lao động; vi phạm các quy định về an toàn ở những nơi đông người. Hành vi vi phạm này có thể như:

Đưa vào sử dụng các trang thiết bị lao động sản xuất không đảm bảo an toàn;

Không cấp hoặc cấp không đúng tiêu chuẩn, chủng loại các phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động;

Không thực hiện các quy định về vệ sinh công nghiệp;

Không đảm bảo các điều kiện an toàn chung ở nơi đông người.

+ Hậu quả: Là dấu hiệu cấu thành tội phạm bắt buộc của tội phạm này, đó là những thiệt hại: chết người, thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi này gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

Nếu đủ những cấu thành tội phạm bao gồm củ thể, mặt chủ quan, khách thể, mặt khách quan trong Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 kể trên, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động tử vong do tai nạn lao động. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp luật.


Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia. Nguyễn Thị Hoà (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tử vong do sự cố chập điện
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề