Trợ cấp thôi việc cho lao động giúp việc gia đình

Posted on Tư vấn luật lao động 333 lượt xem

Tóm tắt câu hỏi:

Trợ cấp thôi việc cho lao động giúp việc gia đình

Tôi là lao động giúp việc gia đình làm việc được 1 năm 9 tháng với mức lương là 3 triệu/tháng. Vì một số lý do nên cuối tháng 4/2016 tôi xin nghỉ việc. Cho hỏi tôi được bao nhiêu trợ cấp thôi việc?

Người gửi: Đào Thị Hương (Thái Bình)

Trợ cấp thôi việc cho lao động giúp việc gia đình 

 

Luật sư tư vấn:

Xin chào chị! Cám ơn chị đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Việt Phong. Về câu hỏi của chị, công ty Luật Việt Phong xin tư vấn và hướng dẫn chị như sau:

1/ Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp nhằm giúp giải quyết những khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm mới và trang trải cho những nhu cầu thiết yếu của người lao động khi không còn thu nhập, được pháp luật lao động quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012:

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.

Theo quy định này thì để có thể được hưởng trợ cấp thôi việc, chị cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại một trong các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012.

Dẫn chiếu đến các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012:

“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Theo thông tin chị cung cấp, vì một số lý do nên cuối tháng 4/2016 chị đã chủ động xin nghỉ việc, tức là chị đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chị chỉ được coi là chấm dứt lao động theo quy định tại khoản 9 khi việc chị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là đúng pháp luật theo quy đinh tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012. Do chưa biết chính xác hợp đồng giữa chị và người sử dụng lao động là hợp đồng có hay không xác định thời hạn nên chúng tôi trình bày trên hai trường hợp như sau:

 – Trường hợp 1: Hợp đồng lao động giữa chị và người sử dụng lao động là hợp đồng xác định thời hạn: Xét thấy lý do nghỉ việc của chị thuộc vào trường hợp “Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động” (điểm d Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012) nên theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chị phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 30 ngày.

 – Trường hợp 2: Hợp đồng lao động giữa chị và người sử dụng lao động là hợp đồng không xác định thời hạn: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chị phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 45 ngày, trừ trường hợp lao động nữ chấm dứt hợp đồng lao động do mang thai.

b) Có thời gian lao động thực tế (sau khi đã trừ thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trên 12 tháng.

Theo thông tin chị cung cấp thì chị đã làm việc được 1 năm 9 tháng. Do chị là lao động giúp việc gia đình nên không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013. Do đó, có thể xác định thời gian lao động thực tế (sau khi đã trừ thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp) của chị là 1 năm 9 tháng (trên 12 tháng).

2/ Cách tính trợ cấp thôi việc

Khi chị đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc nêu trên, khoản trợ cấp thôi việc của chị được tính theo nguyên tắc: “mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương”. 

Điểm d Khoản 2 Điều 10 Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình quy định: “Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm, trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng ½ năm, từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc”. Tức là, chị đã làm việc thực tế 1 năm 9 tháng nên thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của chị sẽ được tính là 2 năm. Do đó, khoản tiền trợ cấp thôi việc chị nhận được sẽ là 2 lần nửa tháng lương, tức là 3 triệu đồng. 

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Việt Phong về Trợ cấp thôi việc cho lao động giúp việc gia đình. Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư. Nguyễn Văn Đại (Công ty Luật TNHH Việt Phong)

Để được giải đáp thắc mắc về: Trợ cấp thôi việc cho lao động giúp việc gia đình
Vui lòng gọi Tổng đài luật sư tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6589

Để gửi Email tư vấn pháp luật, Báo giá dịch vụ pháp lý hoặc đặt Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp.
Vui lòng click tại đây

CÔNG TY LUẬT TNHH VIỆT PHONG

 Hà Nội – Biệt thự 2.11 đường Nguyễn Xuân Khoát, KĐT Ngoại Giao Đoàn, Q. Bắc Từ Liêm
– Số 82 Nguyễn Tuân, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân

 Bắc Giang – 65-67 khu Minh Khai, Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 Hưng Yên – Số 73 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề