Trách nhiệm vật chất của người lao động khi làm mất tài sản công ty?

Nội dung câu hỏi

Hôm nay tôi có làm mất một cục hàng (là liệu may trên mặt hàng giày) của công ty được quy đổi ra trên dưới 7 triệu đồng, ngoài hình phạt biên bản vậy thì tôi có bị sa thải hay có bị bồi thường gì không? Xin cảm ơn đã đọc câu hỏi của tôi và mong mọi người trả lời giúp ạ!

big boi thuong thiet hai khi lam mat tai san gui giu

 

Luật sư tư vấn

Xin chào quý khách! Xin cảm ơn quý khách đã gửi câu hỏi tới Luật Việt Phong! Về vấn đề của quý khách, Luật Việt Phong xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Bộ luật Lao động 2019
  • Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Quy định pháp luật về xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm bồi thường vật chất

Người lao động có phải bồi thường thiệt hại khi làm mất tài sản của công ty?

Căn cứ theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau:

“1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”

Theo thông tin quý khách đã cung cấp, quý khách đã làm mất tài sản của công ty (cụ thể là liệu may trên mặt hàng giày), tài sản bị mất có giá trị ước tính là 7.000.000 đồng. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, quý khách có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động.

Theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

Như vậy, mức bồi thường thiệt hại, hình thức và phương thức bồi thường có thể được thỏa thuận giữa quý khách và công ty và mức bồi thường được căn cứ vào khả năng kinh tế của quý khách.

Trong trường hợp quý khách ký kết với công ty hợp đồng trách nhiệm thì quý khách phải bồi thường cho công ty theo mức bồi thường thỏa thuận trong hợp đồng trách nhiệm.

Nếu sự kiện mất tài sản được chứng minh xuất phát từ nguyên nhân khách quan (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,…) không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì quý khách không phải bồi thường cho công ty. Ngoài ra, quý khách không phải bồi thường thiệt hại nếu thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019:

“4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Người lao động có bị áp dụng hình thức sa thải khi làm mất tài sản công ty không?

Khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:

“2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;”

Hiện nay pháp luật chưa quy định thế nào là “gây thiệt hại nghiêm trọng” và “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng” tuy nhiên có thể suy đoán mức độ thiệt hại phải áp dụng hình thức sa thải thông qua quy định tại khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động 2019: “Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.”

Theo đó, thiệt hại nghiêm trọng hoặc thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng được hiểu là thiệt hại với giá trị trên 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc. 

Khoản 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Trong trường hợp của quý khách, tài sản của công ty bị mất có giá trị ước tính là 7.000.000 đồng, căn cứ theo quy định trên, thiệt hại gây ra do sự kiện mất tài sản không vượt quá giá trị 10 tháng lương tối thiểu vùng. Do đó, quý khách không thuộc trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

5/5 - (3 bình chọn)

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề