Điều kiện kết nạp Đảng

Nội dung câu hỏi

Tôi là giáo viên có chồng bị án treo tội làm giấy tờ và con dấu giả. Luật sư cho tôi hỏi trường tôi đang làm giấy tờ cho tôi kết nạp vào Đảng, như vậy tôi có đủ điều kiện kết nạp Đảng không?

Điều kiện kết nạp đảng viên mới nhất năm 2021

Luật sư tư vấn

Xin chào quý khách! Cảm ơn quý khách đã gửi câu hỏi tới Luật Việt Phong! Về vấn đề của quý khách, Luật Việt Phong xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Hướng dẫn số 01-HD/TW hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng
  • Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017
  • Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo

Vợ có được kết nạp Đảng khi chồng được hưởng án treo?

Theo thông tin quý khách cung cấp, quý khách đang chuẩn bị hồ sơ xin kết nạp vào Đảng nhưng người chồng của quý khách lại bị kết án tội làm giả giấy tờ và con dấu và được hưởng án treo.

Trước hết, để được xét kết nạp Đảng viên, cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm thẩm tra sẽ tiến hành thẩm tra lý lịch của quý khách và thân nhân của quý khách (bao gồm: cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; chồng, con đẻ) theo quy định của Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua) và Quy định số 24-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng.

Quy định trên được cụ thể hóa tại Mục 3.4. Hướng dẫn số 01-HD/TW như sau:

3.4. Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

“a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:

– Người vào Đảng.

– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

b) Nội dung thẩm tra, xác minh

– Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

– Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c) Phương pháp thẩm tra, xác minh

– Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: Cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh.

– Nếu vợ (chồng) người vào Đảng đang là đảng viên hoặc có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: Cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng).

– Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi cấp ủy cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.

– Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn…) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi ủy báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp ủy cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.

– Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.

– Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp ủy cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.

– Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp ủy nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp ủy hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng ủy Bộ Ngoại giao) để lấy xác nhận; trường hợp chưa rõ về chính trị thì đến cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi tổ chức đó để thẩm tra.

– Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đại diện cấp ủy cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này.

Hiện nay, án treo được quy định tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: 

“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.”

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Có thể hiểu rằng án treo không phải là hình phạt và người được hưởng án treo sẽ không phải chấp hành hình phạt với tội danh tương ứng. Tuy nhiên, người được hưởng án treo trên thực tế đã bị tuyên án là có tội, do đó, nếu không đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định để được đương nhiên xóa án tích thì vẫn bị coi người có án tích.

Điều 70 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định điều kiện để được đương nhiên được xóa án tích:

“1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.”

Như vậy, nếu chồng của quý khách đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì người chồng sẽ đương nhiên được xóa án tích (coi như không bị kết án). Trong trường hợp này, quý khách có thể được kết nạp vào Đảng nếu đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định.

Trong trường hợp người chồng của quý khách vẫn đang trong thời gian thực hiện thử thách hoặc không được xét rút ngắn thời gian thử thách hoặc bị buộc phải chấp hành hình phạt của bản án đã cho hưởng án treo do vi phạm nghĩa vụ quy định thì người chồng sẽ được đánh giá là không chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, quý khách sẽ không đủ điều kiện để được xét kết nạp Đảng viên. 

 

 

 

 

 

Vui lòng đánh giá bài viết

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 1900 633 283

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chủ đề